Lý do đằng sau việc tỷ phú Warren Buffett liên tục bán cổ phiếu BYD
Khi tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bắt đầu bán bớt cổ phần trong BYD, các giả thuyết được đưa ra đều xoay quanh triển vọng tăng trưởng của hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc này. Nhưng rốt cuộc, vấn đề không nằm ở công ty này mà là ở chính tỷ phú Warren Buffett và chiến lược đầu tư của ông.
Động thái chốt lời
Berkshire bắt đầu bán cổ phiếu của BYD trong thời gian gần đây, khiến giá cổ phiếu của công ty giảm mạnh trước tâm lý lo ngại về sự ra đi của người hậu thuẫn nổi tiếng này. Đối với BYD, với lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 30% thị phần ôtô điện của Trung Quốc, việc tỷ phú Warren Buffett giảm sở hữu gây khó hiểu cho một số nhà đầu tư.
Tuy nhiên, động thái bán cổ phiếu BYD có thể không phản ánh tâm lý lo ngại về tình hình kinh doanh cơ bản của hãng xe này, cũng không thể hiện sự thay đổi của tỷ phú Buffett trong lập trường tập trung đầu tư vào giá trị nội tại, theo giới phân tích. Ông Buffett, Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire, đã kiếm được hàng tỷ USD từ số cổ phần tại BYD kể từ khi ông rót khoảng 230 triệu USD cho công ty này vào năm 2008. Số cổ phần của Berkshire tại hãng xe điện Trung Quốc hiện trị giá 8 tỷ USD.
“Berkshire hưởng lợi rất nhiều từ những gì BYD làm được trong vài năm qua, nói cách khác, họ đã kiếm được khoản lợi nhuận tuyệt vời. Ông ấy [Warren Buffett] theo dõi khoản đầu tư của mình tăng trưởng và bây giờ, với mức giá cao, ông ấy cho rằng cần phải lấy tiền ra để đầu tư vào nơi khác”, Cole Smead, Chủ tịch của quỹ đầu tư Smead Capital Management”, cho biết.
Giá cổ phiếu của BYD giảm 7,9% tại Hong Kong vào ngày 31/8, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong 7 tuần qua và là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Hang Seng Index. Làn sóng bán tháo diễn ra sau khi Berkshire nộp hồ sơ lên sở giao dịch Hong Kong vào cuối ngày 30/8, nói rằng cổ phần của họ tại BYD giảm xuống 19,92% từ 20,04% vào ngày 24/8.
Diến biến giá cổ phiếu BYD. Ảnh: Bloomberg.
Thay đổi chiến lược đầu tư
Ông Buffett là người nghiêng về chiến lược đầu tư giá trị, tức là tập trung vào giá trị nội tại dài hạn với mục tiêu mua cổ phiếu của các công ty tốt với giá hợp lý. Họ tránh xa cổ phiếu của các công ty phát triển nhanh với giá đắt đỏ và biến động quá nhanh. Berkshire đã nắm giữ các cổ phiếu lớn như Coca-Cola hay American Express suốt nhiều thập kỷ qua.
Chiến lược đó mang lại hiệu quả như mong đợi đối với ông Buffett. Giá cổ phiếu của Berkshire đều tăng mạnh hơn nhiều so với S&P 500 kể từ năm 1965, khi vị tỷ phú 92 tuổi này tiếp quản công ty.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà phân tích lưu ý rằng Berkshire bắt đầu giao dịch nhiều hơn đối với danh mục cổ phiếu. Theo Meyer Shields, chuyên gia phân tích tại Keefe Bruyette & Woods Inc., Berkshire có xu hướng nắm giữ một số cổ phiếu nhất định trong thời gian ngắn hơn trước.
“Họ sẵn sàng điều chỉnh giảm bớt cổ phần khi cổ phiếu đó trở nên kém hấp dẫn hơn trước. Quan điểm của họ là nếu họ đánh giá giá hiện tại của một cổ phiếu cao hơn giá trị nội tại thì có lẽ đây là thời điểm để bán ra”, ông Shields cho hay.
Buffett chắc chắn là người dấy lên “sóng” cổ phiếu BYD. Giá cổ phiếu của hãng xe điện này tăng 31% trong năm 2021 và 423% trong năm 2020, nhờ kế hoạch chuyển đổi từ ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel sang xe điện của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, BYD sản xuất chất bán dẫn và hiện là hãng sản xuất pin cho xe điện lớn thứ 3 thế giới, với thị phần là 14%.
Thị trường bắt đầu quay cuồng với những giả thuyết về kế hoạch của tỷ phú Buffett với hãng sản xuất xe điện BYD từ sau khi có thông tin 20,49% cổ phần của công ty này, ngang với tổng vị thế mà Berkshire nắm giữ tại BYD tính đến cuối tháng 6, xuất hiện trong Hệ thống Thanh toán bù trừ Hong Kong vào tháng 7. Tin tức này khiến giá cổ phiếu của BYD giảm mạnh nhất trong gần hai năm qua.
Tỷ phú Warren Buffett và Berkshire Hathaway đang bán dần cổ phiếu của BYD. Ảnh: Bloomberg.
Thực tế là, từ khi số cổ phần đó xuất hiện trong hệ thống thanh toán bù trừ, điều đó đồng nghĩa là ông Buffett cuối cùng cũng có ý định rút lui, theo ông Smead.
Trong vài phiên gần đây, Berkshire đã bán tổng 3,05 triệu cổ phiếu BYD, tương đương 1,4% tổng số 225 triệu cổ phiếu được biết là do ông Buffett nắm giữ. Số cổ phần của Berkshire trong BYD (đối với cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong) hiện giảm xuống 18,87%. Trong đợt bán mới nhất ngày 1/9, Berkshire bán ra với giá trung bình là 262,72 đôla Hong Kong một cổ phiếu, tức tổng giá trị của lô cổ phiếu bị bán đi này vào khoảng 450,8 triệu USD (57,5 triệu USD).
Tiếp tục thoái vốn từ từ tại BYD?
Theo ông Smead, tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett có thể sẽ tiếp tục từ từ bán ra cổ phiếu BYD trong thời gian tới. Ông nói: “Nếu mục tiêu cuối cùng của ông ấy là thoái vốn hoàn toàn thì việc ông Buffett nhảy vào và bán ồ ạt cổ phiếu của công ty này, từ đó gây gián đoạn thị trường, sẽ không tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt của cơ quan quản lý Trung Quốc”.
Berkshire bắt đầu đầu tư vào BYD với lời khuyến nghị từ đồng sự lâu năm của Buffett, là ông Charlie Munger. Khi đó, ông Munger đã thực hiện giao dịch mua cổ phiếu BYD cùng với ông Li Lu, Chủ tịch của Himalaya Capital. Ông Li, từng là ứng cử cho vị trí giám đốc quản lý đầu tư của Berkshire và là một cổ đông của BYD trong hơn 10 năm, đã giảm cổ phần tại hãng xe điện này xuống khoảng 5% trong năm 2021, tương ứng với mức giảm 28%.
Ông Munger vẫn tỏ ra lạc quan về thị trường Trung Quốc, ngay cả trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang xấu đi. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Berkshire, ông Munger cho biết ông đầu tư vào Trung Quốc vì sẵn sàng chấp nhận một chút rủi ro để được rót vốn vào các công ty tốt hơn với giá thấp hơn.
Berkshire đầu tư vào cổ phiếu BYD thông qua công ty năng lượng của tập đoàn. Năng lượng là một trụ cột trong hoạt động của Berkshire, theo chuyên gia phân tích Matthew Palazola của Bloomberg Intelligence. Tháng trước, Berkshire được cơ quan quản lý Mỹ chấp thuận mua tới 50% cổ phần của Occidental Petroleum, sau nhiều tháng liền gom mua cổ phiếu của công ty dầu mỏ này.
Dù Berkshire có làm gì trong tương lai, số cổ phần của họ tại BYD vẫn chỉ chiếm khoảng 2% danh mục đầu tư của tập đoàn này, theo ước tính của ông Palazola. “Nếu đánh giá về ảnh hưởng của động thái giảm cổ phần tại BYD tới tình hình tài chính của Berkshire, nó là rất nhỏ”, ông nói.
Theo Bloomberg
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ21 Tháng mười một, 2024Không cứ tiết kiệm, đầu tư là sẽ giàu, triệu phú 30 tuổi gợi ý cách vừa kiếm tiền vừa tận hưởng cuộc sống
- Chia sẻ10 Tháng mười một, 2024Anh nông dân lãi 500 triệu đồng nhờ “bẻ lái” nuôi con “hiền như cục đất” mê ăn chuối
- Chia sẻ5 Tháng mười một, 2024Người đàn ông cực khổ gom đồng nát đổi bạc lẻ, 20 năm sau thành tỷ phú có hơn 220 nghìn tỷ đồng, tiền thưởng Tết nhân viên chất thành núi
- Chia sẻ25 Tháng mười, 2024Rất khó để làm giàu nếu cứ tiết kiệm mà không đầu tư: Chuyên gia nêu ba sai lầm người trẻ nên tránh