Những quy tắc làm giàu cũ đã lỗi thời, ngày nay người trẻ phải đối mặt với hiện thực hoàn toàn khác và đây là cách để họ tích lũy của cải
“Tôi không phải là cố vấn tài chính cá nhân của cha bạn”. Đó là khẩu hiệu rõ ràng mà Sophia Bera muốn nhắn nhủ đến các khách hàng của Generation Y Planning, công ty tư vấn tài chính cá nhân do cô làm chủ. Theo Bera, “tiền bạc không phải lúc nào cũng cần phải đi liền với sự nghiêm túc và đáng sợ mà nên là sự vui vẻ, an toàn và tự tin”. Cách làm việc của cô gái 35 tuổi này cũng rất khác biệt: mỗi tháng cô sẽ làm việc ở một nơi, từ Mexico City tới Santiago (Chile), Lima (Peru) và Medellin (Colombia), tất cả đều từ xa.
Nếu Bera và những chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân trẻ tuổi khác nhấn mạnh câu khẩu hiệu nói trên, đó là bởi vì họ đang phục vụ nhóm khách hàng hoàn toàn khác biệt, những người hoài nghi về các cố vấn tài chính truyền thống. Họ hiểu rằng các khách hàng thuộc thế hệ millenials có dòng tiền khác hẳn so với các thế hệ trước và sẽ không thể “tiêu hóa” nổi những bài răn dạy về tầm quan trọng của việc để dành tiền cho quãng đời hưu trí hay lời khuyên đừng tốn tiền đi du lịch.
Theo Bera, ngành này cần đến nhiều hơn những người có thể kết nối với các khách hàng trẻ tuổi hơn và ít giàu có hơn. Thế hệ millenials phải bắt đầu sự nghiệp ngay khi khủng hoảng tài chính bùng nổ và trên vai là gánh nặng nợ sinh viên. Nếu như cách đây vài thập kỷ, những sinh viên mới tốt nghiệp có thể trả nợ trong vòng 10-15 năm, giờ đây có không ít người chỉ có thể trả nợ vài trăm USD mỗi tháng, và thời gian trả nợ sẽ lên tới 40 năm. Đó còn là chưa kể đến những hiện thực phũ phàng mà họ phải đối mặt: tiền lương tăng lên chậm chạp trong suốt 10 năm qua trong khi giá nhà đất, chi phí chăm sóc con cái, giáo dục và y tế lại tăng mạnh.
50 năm trước, 1 gia đình Mỹ hoàn toàn có thể sống dựa vào 1 khoản lương. Nhưng ngày nay gần như toàn bộ lương của người vợ hoặc chồng chỉ đủ để nuôi con và trang trải chi phí y tế. Và trong khi thế hệ baby boomer tận hưởng TTCK liên tiếp lập đỉnh, thế hệ millennials vốn đã có rất ít tiền tiết kiệm lại gần như không thể hưởng lợi từ TTCK.
Tuy nhiên giữa những tin xấu vẫn có một tin tốt lành: tất cả những gì thế hệ millennial và thế hệ Z cần là thời gian. Nếu bắt đầu tiết kiệm sớm và thường xuyên dù với số tiền nhỏ đến đâu thì họ vẫn có thể hái quả ngọt. Fidelity Investments tính toán rằng nếu 1 người 35 tuổi hiện kiếm được 60.000 USD mỗi năm tiết kiệm thêm 1% mỗi tháng – tương đương khoảng 12 USD mỗi tuần – thì sẽ có thêm 85.492 USD khi nghỉ hưu, với giả định lãi suất 5,5% và mỗi năm được tăng lương 4%.
Người trẻ ngày nay cũng có thể sử dụng các ứng dụng để dễ dàng hình dung ra dòng tiền của mình trong tương lai. Ví dụ như Qapital và Tip Yourself cho phép người dùng rút tiền định kỳ hoặc thỉnh thoảng từ các tài khoản được liên kết để chuyển sang tài khoản tiết kiệm.
Xây dựng 1 quỹ tiết kiệm khẩn cấp cũng giúp bạn tránh được những rủi ro đau đớn. Nếu có sẵn số tiền đủ để chi tiêu trong vài tháng, bạn không cần phải dùng đến những khoản vay cắt cổ từ thẻ tín dụng nếu có biến cố bất ngờ xảy ra. Số tiền này có thể được đặt trong 1 tài khoản tiết kiệm online để kiếm lãi.
Bera khuyên rằng kể cả khi lãi suất thấp và xét về mặt tài chính thì đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn là trả nợ thì người trẻ vẫn nên tập trung trả nợ. “Nợ khiến người ta stress. Không có khách hàng nào của tôi cảm thấy hối hận vì đã sớm hoàn trả khoản nợ sinh viên”.
Nợ sinh viên cũng khiến thế hệ millennials rời xa 1 cột mốc khác từng có ý nghĩa quan trọng với các thế hệ trước – “giấc mơ Mỹ” về việc sở hữu 1 ngôi nhà. Với giá nhà đất tăng cao, điều này gần như là không thể. Tuy nhiên tin tốt là với tình hình tài chính hiện nay thì nhà cửa lại không phải là 1 khoản đầu tư tốt đối với nhiều người trẻ. “Họ nhận ra rằng 1 ngôi nhà rộng 2.000 foot vuông cần được sưởi ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè sẽ tiêu tốn hết cả thời gian và tiền bạc”.
Bí quyết của các thế hệ trước thường là trả nhiều hơn so với số tiền phải trả tối thiểu mỗi tháng, từ đó giảm thời gian trả nợ khoản vay thế chấp mua nhà từ 30 năm xuống còn 25 năm. Tuy nhiên ngày nay chiến lược đó không còn hiệu quả. Thêm nữa với gánh nặng nợ sinh viên, nhiều người có điểm tín dụng ở mức rất thấp và khó có thể tiếp cận các khoản vay thế chấp.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ21 Tháng mười một, 2024Không cứ tiết kiệm, đầu tư là sẽ giàu, triệu phú 30 tuổi gợi ý cách vừa kiếm tiền vừa tận hưởng cuộc sống
- Chia sẻ10 Tháng mười một, 2024Anh nông dân lãi 500 triệu đồng nhờ “bẻ lái” nuôi con “hiền như cục đất” mê ăn chuối
- Chia sẻ5 Tháng mười một, 2024Người đàn ông cực khổ gom đồng nát đổi bạc lẻ, 20 năm sau thành tỷ phú có hơn 220 nghìn tỷ đồng, tiền thưởng Tết nhân viên chất thành núi
- Chia sẻ25 Tháng mười, 2024Rất khó để làm giàu nếu cứ tiết kiệm mà không đầu tư: Chuyên gia nêu ba sai lầm người trẻ nên tránh