Làm giàu từ chó mèo, thị trấn Trung Quốc kiếm 650 triệu USD mỗi năm bất chấp đại dịch, thống trị thị phần toàn cầu
Trong một nhà máy tại Shuitou-Trung Quốc, các công nhân đang cẩn thận phân loại đồ nhai cho chó được đóng khuôn thành hình những cục xương. Chúng được kiểm tra chặt chẽ trước khi đóng bao vận chuyển bởi đích đến của các sản phẩm này là Phương Tây. Trong 1-2 tháng nữa, chúng sẽ được chuyển đến các nhà kho tại Phương Tây nhằm sẵn sàng cho mùa Giáng sinh năm nay.
Đây chỉ là một trong vô số các sản phẩm cũng như nhà máy tại thị trấn nhỏ Shuitou ở Trung Quốc, nơi đang thống trị thế giới cho mảng thức ăn và đồ chơi cho thú cưng toàn cầu.
Tờ Sixth Tone cho hay Shuitou chỉ là một trong vô số những thị trấn chuyên dụng (Specialty Town) khác, chuyên tập trung phát triển một mảng để thống trị toàn cầu ở lĩnh vực đó. Trong khi những thị trấn khác của Trung Quốc phát triển tất chân, đèn chùm hay giấy vệ sinh thì Shuitou nhắm đến thức ăn và đồ chơi cho thú cưng.
Bình quân mỗi năm, thị trấn miền Đông tỉnh Zhejiang này bán được 4,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 630 triệu USD, xuất khẩu ra hơn 60 thị trường. Tại nhiều mảng đồ cho thú cưng, thậm chí các sản phẩm của Shuitou đã thống trị hoàn toàn thị trường toàn cầu.
Ví dụ khoảng 60% đồ nhai cho thú cưng trên toàn cầu là được sản xuất ở Shuitou. Mỗi nhà máy ở đây có thể cho ra lò khoảng 50 triệu sản phẩm đồ nhai cho thú cưng mỗi năm. Tại Mỹ, khoảng 1/5 số sản phẩm cho thú cưng là đến từ Shuitou.
Theo Sixth Tone, ngành công nghiệp thú cưng tại Shuitou liên tục phát triển bất chấp đại dịch, trái với nhiều vùng kinh tế khác phải chịu ảnh hưởng vì chiến lược “Zero Covid” suốt 3 năm. Việc mọi người phải ở nhà vì lệnh giãn cách khiến nhu cầu nuôi thú cưng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp tại Shuitou thậm chí đã có tốc độ tăng trưởng doanh thu 2 con số khi khắp mọi nơi trên thế giới đổ xô đi mua đồ cho thú cưng trong mùa dịch.
Đổi đời
Trên thực tế, ngành công nghiệp thú cưng của Shuitou mới chỉ bắt đầu cách đây 10 năm khi thị trấn này tìm kiếm con đường phát triển mới trong bối cảnh kinh tế địa phương khó khăn.
Trong thập niên 1980-1990, Shuitou nổi tiếng toàn quốc với ngành thuộc da và được mệnh danh là thủ phủ da thuộc của Trung Quốc. Hàng trăm xưởng thuộc da tại đây đem về 4 tỷ Nhân dân tệ mỗi năm cho thị trấn.
Thế nhưng ngành thuộc da lại tạo ra mức độ ô nhiễm kinh hoàng cho địa phương. Quy trình sản xuất da sử dụng lượng lớn hóa chất công nghiệp và các xưởng thường xả chúng trực tiếp ra nguồn nước công cộng.
Đến thập niên 2000, những con sống của Shuitou có màu đen và bốc mùi hôi thối kinh khủng. Tình trạng ô nhiễm tại đây nặng đến mức các nhà chức tranh đã phải liệt Shuitou vào top 10 địa phương bị ô nhiễm nặng nhất toàn quốc.
Trước yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, địa phương nơi đây đã thực hiện chiến dịch dọn dẹp môi trường bằng cách cấm những ngành sản xuất gây ô nhiễm nặng, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn về môi trường. Hệ quả là trong các năm tiếp theo, số xưởng da thuộc ở Shuitou đã giảm mạnh từ 1.000 xuống chỉ còn 8.
Bởi vậy, Shuitou buộc phải tìm kiếm con đường phát triển kinh tế mới mà không phụ thuộc vào mảng da thuộc nữa, đó là khi ngành đồ dùng cho thú nuôi bắt đầu phát triển. Chính quyền địa phương đã xây dựng hẳn một trung tâm đón du khách có hình xương chó cũng như nhiều khoản trợ cấp cho các công ty có kế hoạch đầu tư mảng này.
Một trong những công thần khiến Shuitou lựa chọn đồ dùng cho thú cưng là Chen Zhenbiao, nhà sáng lập Petpal Pet Nutrition Technology. Mặc dù cha của ông Chen vận hành một nhà máy hóa chất da thuộc ở Shuitou nhưng lý do khiến nhà sáng lập này bước vào mảng kinh doanh mới lại đến từ lý do…thiếu tiền.
Tại thời điểm đó, mặc dù cha mình điều hành một xưởng da thuộc nhưng Chen lại làm giáo viên cấp 2 với mức lương 100 Nhân dân tệ/tháng. Thế rồi khi con gái phải vào viện khẩn cấp, ông chẳng đủ tiền nộp viện phí.
“Tim tôi như tan nát vậy.Tôi tự hỏi mình liệu có thể nuôi sống gia đình trong tương lai nếu còn tiếp tục làm nghề giáo viên không? Liệu đường ra mới có thể là gì?”, ông Chen nhớ lại.
Thế rồi một ngày, một khách hàng từ Đài Loan gợi ý việc những thành phẩm thừa từ da thuộc có thể dùng làm đồ nhai cho chó và ông Chen không bỏ lỡ cơ hội này.
Ông Chen bỏ nghề giáo viên, vay mượn tiền để mua thiết bị và làm thành phẩm thí nghiệm gửi cho các khách hàng tiềm năng.
Ban đầu cả cha và vợ ông Chen đều coi thường ý tưởng này vì họ cho rằng ông đã bỏ nghề giáo viên ổn định để đi khởi nghiệp mạo hiểm. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, ông Chen nhận được một đơn hàng cực lớn trị giá 300.000 Nhân dân tệ từ một hãng tận Canada.
“Số tiền đó là khá lớn tại thời điểm đó và tôi thực sự bị bất ngờ. Khách hàng nói rằng sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tốt nhưng chưa được đủ khô. Vậy là chúng tôi tiếp tục cải thiện khi các đơn hàng ngày một nhiều lên”, ông Chen cười nói.
Hiện nay Petpal xuất khẩu hơn 200 triệu đồ nhai cho chó sang thị trường Mỹ mỗi năm. Nhà máy của họ tại Shuitou thuê khoảng 1.000 nhân công và có chi nhánh ở Đông Nam Á lẫn New Zealand.
Dù số lượng các doanh nghiệp và nhà máy đồ dùng cho chó ngày một tăng ở Shuitou nhưng với thị trường thú cưng bùng nổ vài năm trở lại đây thì doanh thu của các công ty lại chẳng hề có xu hướng giảm.
Ví dụ như Yuanfai, một nhà máy đồ dùng cho thú cưng ở Shuitou nói với Sixth Tone rằng đại dịch khiến doanh số của họ tăng trưởng kỷ lục, từ 378 triệu Nhân dân tệ năm 2017 lên 1 tỷ Nhân dân tệ năm 2021. Trong khi đó Petpal Tech của ông Cheng cũng tăng 36% doanh thu trong năm vừa qua.
Đổi thị trường
Tờ Sixth Tone cho hay mặc dù kiếm lời lớn từ thị trường thú cưng nước ngoài nhưng Shuitou đang dần chuyển mình, nhắm đến khách hàng trong nước nhiều hơn khi mức sống đi lên và ngày càng nhiều giới trẻ độc thân nuôi thú cưng.
Dù đại dịch không ảnh hưởng đến ngành kinh doanh của Shuitou nhưng cũng gây khó khăn, bất ổn cho mảng xuất khẩu. Nhiều nhà máy của Petpal Tech tại nước ngoài đã phải đóng cửa vì lệnh giãn cách, khiến hãng quyết định dù vẫn phát triển ở Đông Nam Á và Trung Đông nhưng chuyển dần trọng tâm về Trung Quốc.
Thị trường thú cưng Trung Quốc đang bùng nổ mạnh khi chi đến 270 tỷ Nhân dân tệ năm 2021, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và có đến 40% người nuôi thú cưng tại đây thừa nhận vật nuôi là một thành viên trong gia đình.
Chính bởi vậy nên Petpal đang thay đổi chủng loại sản phẩm. Khách hàng Trung Quốc không mua nhiều đồ nhai bằng da cho chó mà phần lớn lựa chọn những đồ thức ăn vặt như khoai tây bọc thịt vịt.
Đối với Shuitou, chính quyền thị trấn này đang cố biến nơi đây thành trung tâm thú nuôi của Trung Quốc lẫn toàn thế giới. Trớ trêu thay là họ lại thiếu thứ quan trọng nhất: thú nuôi.
Khi phóng viên của Sixth Tone thăm quan Shuitou vào tháng 5/2023, thị trấn này có rất ít chó mèo dù chính quyền địa phương đặt tham vọng xây dựng các công viên chó, khách sạn thú cưng hay những buổi trình diễn thú nuôi.
“Chúng tôi tự gọi mình là ‘Thị trấn thú cưng’ nhưng lại chẳng có mấy thú nuôi chạy trên đường”, giám đốc Chen Le của văn phòng phát triển kinh tế Shuitou cười nói.
*Nguồn: Sixth Tone
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ21 Tháng mười một, 2024Không cứ tiết kiệm, đầu tư là sẽ giàu, triệu phú 30 tuổi gợi ý cách vừa kiếm tiền vừa tận hưởng cuộc sống
- Chia sẻ10 Tháng mười một, 2024Anh nông dân lãi 500 triệu đồng nhờ “bẻ lái” nuôi con “hiền như cục đất” mê ăn chuối
- Chia sẻ5 Tháng mười một, 2024Người đàn ông cực khổ gom đồng nát đổi bạc lẻ, 20 năm sau thành tỷ phú có hơn 220 nghìn tỷ đồng, tiền thưởng Tết nhân viên chất thành núi
- Chia sẻ25 Tháng mười, 2024Rất khó để làm giàu nếu cứ tiết kiệm mà không đầu tư: Chuyên gia nêu ba sai lầm người trẻ nên tránh