Cặp đôi trẻ chưa kết hôn, thu nhập tổng 4.500 USD mỗi tháng, vẫn để lại tiết kiệm được 2.300 USD
Steph Gordon, 24 tuổi và Den Mathu, 24 tuổi, có cuộc trò chuyện đầu tiên về vấn đề tiền bạc trước cả khi họ bắt đầu hẹn hò. Cặp đôi gặp nhau vào năm 2017 khi thực tập tại cùng một công ty vào mùa hè trước năm học cuối của họ tại Đại học Ottawa. Cả 2 nhớ rằng họ đã thảo luận về vấn đề minh bạch tiền bạc với bạn bè cùng trang lứa và chia sẻ về những khoản tiền họ kiếm được.
Khoảng ba năm trước, sau khi bắt đầu hẹn hò, một trong những cuộc nói chuyện về tiền bạc đầu tiên của họ là về nền tảng gia đình khác nhau và mối liên hệ sớm với tiền của mỗi người: Den, sinh ra ở Kenya và đến Mỹ cùng gia đình khi sáu tuổi, lớn lên với tình cảnh “thực sự không có tài sản gì nhiều. Chúng tôi đã phải vật lộn với cuộc sống rất nhiều. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nghĩ rằng tiền gắn liền với một tương lai tốt đẹp hơn và một cuộc sống tốt hơn cho gia đình”.
Khi còn nhỏ, Den đã không học hỏi nhiều về việc quản lý tiền, nhưng anh ấy biết rằng mình muốn kiếm được thật nhiều tiền vào một ngày nào đó. Đó là một phần lý do khiến anh chọn học về kinh doanh và theo đuổi công việc tư vấn sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành một tư vấn viên tại một công ty kế toán nằm trong top 4 Công ty lớn nhất .
Tuy nhiên, Den không kiếm được nhiều tiền như anh ấy muốn: 42.765 USD. Anh cho rằng đó chỉ là số tiền ở mức tiêu chuẩn trả cho một ai đó khi họ bắt đầu sự nghiệp. “Tôi biết những gì tôi đã làm. Bạn không cần thiết phải kiếm được nhiều tiền ngay từ đầu, nhưng hy vọng, với kinh nghiệm theo thời gian có được, nó sẽ mang lại thu nhập nhiều hơn nữa”.
Steph, có bố là kế toán nên nhận được nhiều chỉ dẫn hơn về việc quản lý tiền khi còn nhỏ. Cha cô rất chú tâm vào việc tiết kiệm và đã rất ấn tượng với các nguyên tắc tài chính cụ thể vẫn được cô áp dụng cho đến nay, cô nói: “Bạn hãy tiết kiệm nhiều hơn số tiền bạn tiêu. Hãy sống trong khả năng của bạn.Và hãy trả hết nợ đang có ngay lập tức”.
Cô ấy đã bắt đầu tiết kiệm từ năm 14 tuổi khi có công việc đầu tiên tại quầy lễ tân một phòng tập thể dục. Thậm chí sau đó, “tôi còn không nhìn thấy một nửa số tiền lương của mình”, cô ấy nhớ lại: “Nó đã được gởi ngay vào khoản tiết kiệm mà tôi có khi còn học ở trường”.
Hiện tại, cô kiếm được nhiều tiền hơn với công việc là điều phối viên chiến lược và vận hành tại một công ty Big Four – 44.235 đô la – nhưng cô vẫn tiết kiệm được khoảng một nửa thu nhập của mình và thiết lập được một khoản tiết kiệm 17.000 đô la . Một phần lý do khiến cô có thể tiết kiệm nhiều như vậy là vì cha mẹ cô ấy đã giúp trả tiền cho việc học đại học và cô ấy đã tốt nghiệp Đại học Ottawa năm 2018 với tấm bằng kinh doanh mà không có một khoản nợ học phí nào.
Mặt khác, Den người cũng nhận bằng kinh doanh tại trường đại học đó, lại tốt nghiệp với khoản nợ khoảng 30.000 USD từ thời sinh viên. Trong khi có thu nhập khá tương đương với bạn gái và có cùng lượng chi phí cố định, anh ấy gần như không tiết kiệm được nhiều: Chỉ gần 5.000 USD. Trước đại dịch, anh ấy đã dùng tất cả số tiền dư lại vào cuối tháng để trả cho các khoản vay của mình và hầu như không còn gì trong tài khoản tiết kiệm.
Dưới đây là những cách thức được cặp đôi trẻ sử dụng để tiết kiệm tiền:
Tạm dừng các khoản vay trong đại dịch
Cho đến gần đây, Den đã trả khoảng 958 USD cho các khoản vay sinh viên của mình mỗi tháng, nhiều hơn số tiền tối thiểu phải thanh toán và anh ấy đã giảm được khoản nợ một cách đáng kể, trả được một nửa số tiền anh ấy nợ trong 11 tháng đầu tiên ra trường.
Vào tháng 3 năm 2020, để đối phó với cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, Canada đã tạm dừng việc nhận trả các khoản vay sinh viên đồng thời cũng miễn lãi suất đến ngày 30 tháng 9 năm 2020. Sinh viên vẫn có thể trả nợ ngay, nhưng Den đã quyết định chuyển số tiền trả nợ này vào một quỹ khẩn cấp.
Anh vẫn làm việc toàn thời gian, nhưng muốn một khoản tiền mặt luôn có sẵn phòng trong trường hợp bị giảm giờ làm hoặc mất việc trong đại dịch. Về công việc, “mọi thứ trở nên khó khăn khi Covid-19 tấn công, vì thông thường trong thời gian này, rất nhiều công ty sẽ cố gắng tích trữ tiền và không thực sự muốn chi tiền cho các chuyên gia tư vấn”, Den nói. Vì vậy, đối với chúng tôi, điều khiến chúng tôi đã và đang lo lắng cho đến tận bây giờ là làm sao đảm bảo được công ăn việc làm”. Việc đảm bảo được công ăn việc làm chắc chắn là một vấn đề lớn khiến chúng tôi lo lắng và chúng tôi vẫn lo lắng về vấn đề này.
Khi việc tạm dừng trả các khoản vay sinh viên và thời gian miễn lãi kết thúc vào tháng 9, Den có kế hoạch trả nợ trở lại. Anh trao đổi thêm rằng mục tiêu tiền bạc lớn nhất của anh ấy trong năm là trả hết các khoản nợ để anh ấy có thể bắt đầu vào việc đầu tư và thực sự xây dựng sự thịnh vượng cho mình.
Steph cũng vẫn làm việc toàn thời gian trong đại dịch, nhưng, giống như Den, cô ấy lo lắng về việc đảm bảo công việc. Cô ấy đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất bằng cách duy trì tỷ lệ tiền tiết kiệm cao và để khoản tiền khẩn cấp của mình trong một tài khoản tiết kiệm tiêu chuẩn có thể dùng được khi cần. Sau cùng, cô ấy muốn chuyển tiền tiết kiệm của mình vào một tài khoản tiền gửi lãi suất cao giúp cho số tiền tăng trưởng nhanh hơn nhờ vào lãi suất kép.
Không giống như ở Mỹ, nơi mọi người nhận được một khoản tiền nhất định nhờ gói kích thích kinh tế, Canada chỉ cung cấp gói kích thích cho những người mất việc do khủng hoảng bởi dịch Corona. Cặp đôi giải thích: “Không nhận được tiền trợ cấp nghĩa là chúng tôi vẫn khá may mắn”.
Giống như hầu hết mọi người, họ chuyển sang chế độ làm việc tại nhà trong một căn hộ có một phòng ngủ rộng hơn 37m2. “Cả hai chúng tôi đều có rất nhiều cuộc điện thoại và họp hành. Vì vậy sẽ rất ồn ào trong một không gian nhỏ thế này. Nhưng sau 3 tháng thì chúng tôi cũng quen dần với tình trạng đó”, Steph cho biết.
Mở một kênh YouTube về vấn đề tiền bạc
Cặp đôi đã sống cùng nhau ở trung tâm thành phố Toronto trong hai năm qua, không chỉ cởi mở với nhau về tiền bạc mà còn chia sẻ mục tiêu tài chính và hành trình của họ trên kênh YouTube mà họ đã ra mắt vào tháng 8 năm 2019.
“Lý do chính mà chúng tôi bắt đầu, ít nhất là đối với tôi, là vì tôi thấy lỗ hổng kiến thức khi nói đến tiền và tài chính ở Canada”, Den nói. “Rất nhiều thông tin mà chúng tôi thấy trên mạng đều chủ yếu tập trung vào thi trường Mỹ, và thực sự rất ít thông tin khi nói đến Canada”.
Kênh của họ khai phá nhiều chủ đề tiền bạc khác nhau, bao gồm các chiến lược trả nợ và lập ngân sách cho các cặp đôi, nhưng họ cũng thảo luận về nghề nghiệp và cách họ có được công việc hiện tại. “Không có nhiều người giống tôi – một người da đen làm việc cho một công ty Big Four – đang giới thiệu về cuộc sống và cách làm thế nào để vào được và điều hướng mình trong một môi trường hợp tác tổng thể”, Den nói. “Đối với tôi, đó là một khoảng cách khác biệt rất lớn. Tôi đã xoay xở với nó, vì vậy nó có ý nghĩa với tôi, rằng tôi đang cố gắng giúp đỡ những người đã và đang trong tình cảnh giống như tôi”.
Ngay bây giờ, với mục tiêu là nền tảng giúp đỡ những người trẻ tuổi hiểu được tình hình tài chính của họ và định hướng sớm sự nghiệp. “Thậm chí ngay cả khi chúng tôi không đứng ở vị trí người giảng dạy về mọi chủ đề, thì những chia sẻ về kinh nghiệm và việc minh bạch rõ ràng về các con số tài chính sẽ giúp mọi người tiếp tục trên con đường của họ”, Steph chia sẻ. Họ cũng cung cấp các bản đánh giá lý lịch miễn phí như một cách “thực sự trả ơn và cho đi tới mọi người một cách miễn phí”, cô nói.
Hai người dành phần lớn thời gian rảnh để quay phim và tải lên mạng các đoạn video, họ có gần 3.000 người đăng ký, nhưng đến bây giờ, kênh của họ không tạo ra bất kỳ doanh thu nào. “Nó chỉ là dự án làm theo đam mê của chúng tôi”, Steph nói, “nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết được những gì mà những công việc làm vì đam mê mang lại”.
Làm thế nào họ tạo ra ngân sách riêng của họ
Steph và Den giữ các tài khoản riêng và chia đôi tất cả các chi phí cố định. Họ theo dõi các khoản chi bằng ứng dụng Mint và giữ cho ngân sách chi tiêu ở mức ít. “Hàng tháng chúng tôi nhìn lại các giao dịch của mình và xem chúng tôi đã chi tiêu vào những khoản mục gì”, Den nói. “Chúng tôi cố gắng để biết chắc mỗi đồng đô la của mình đã đi đâu”
Đại dịch đã không ảnh hưởng đến chi tiêu của họ quá nhiều: Vì làm việc tại nhà nên họ không phải trả tiền cho việc đi lại, vốn thường tốn 148 USD mỗi tháng cho cả hai lượt đi lại. Steph, người từng chi gần 37 USD cho cà phê mỗi tháng, hiện đang tự pha cà phê tại nhà cho mình.
Họ chi tiêu nhiều hơn một chút cho các cửa hàng tạp hóa, Steph nói: Vì đại dịch, chúng tôi thực sự phải đến một trong những cửa hàng tạp hóa đắt tiền gần đó. Nó chắc chắn là điều mà chúng tôi lựa chọn – tuy không nhất thiết – nhưng nó sạch sẽ và có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn sức khoẻ hơn.
Nhìn chung, chi phí của họ thấp hơn so với trước đại dịch. Một thay đổi lớn là khoản tiền thanh toán khoản vay sinh viên hàng tháng của Den hiện đang được chuyển vào quỹ khẩn cấp của anh ấy.
Dưới đây là những gì họ đã chi tiêu trước đại dịch, vào tháng 2 năm 2020:
Tiền Tiết kiệm: 1.342 USD
Tiền thuê nhà: 1.364 USD
Khoản nợ phải trả: 958 USD
Tiền thức ăn: 479 USD
Tiền đi lại: 148 USD
Tiện ích và Wifi: 109 USD
Tiền điện thoại: 109 USD
Bảo hiểm sức khoẻ: 52 USD
Các gói cước giải trí: 60 USD
Bảo hiểm người thuê nhà: 17 USD
Còn đây là ngân sách hiện tại, tính đến tháng 7 năm 2020:
Tiết kiệm: 2.300 USD. Den đặt 958 đô la vào tài khoản tiết kiệm và khoảng 33 đô la vào kế hoạch hưu trí của anh ấy. (Công ty của anh sẽ tự động khấu trừ 2% số tiền lương của anh ấy, đây cũng là mức tối đa mà anh ấy được phép đóng góp ở cấp độ vị trí của mình và phù hợp với toàn bộ khoản tiền). Còn Steph bỏ 885 đô la vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư 424 đô la vào các quỹ chỉ số.
Tiền thuê nhà: 1.364 USD. Cặp đôi đã sống trong cùng nhau trong một căn hộ một phòng ngủ trong hai năm qua và dự định ở lại ít nhất một năm nữa. Họ chia đôi tiền thuê phòng.
Tiền thức ăn: 516 USD. Họ chủ yếu chi tiêu cho các cửa hàng tạp hóa, nhưng số tiền này cũng thỉnh thoảng bao gồm các bữa ăn nhanh mua bên ngoài.
Tiện ích và Wi-Fi: 109 USD
Điện thoại: 105 USD. Den trả 33 đô la cho cước điện thoại của mình. Steph là 72 đô la.
Bảo hiểm y tế: 52 USD. 22 USD được khấu trừ từ tiền lương của Steph mỗi tháng cho bảo hiểm y tế và $ 30 được khấu trừ từ lương của Den.
Các gói cước giải trí : 60 USD. Bao gồm Netflix, Spotify, Adobe và Epedemic.
Bảo hiểm người thuê nhà: 17 USD. Họ đã trả trước 203 đô la khi ký hợp đồng thuê, tính ra khoảng 17 đô la mỗi tháng.
Mặc dù ngân sách tương tự nhau, nhưng giờ đây họ có các mục tiêu tiền bạc khác nhau. Trọng tâm chính của Steph, là tiết kiệm một nửa thu nhập của cô ấy và xây dựng một khoản tiền mặt dự trữ nhỏ: “Tôi nhận lương hai tuần một lần vì vậy tôi đã cố gắng tiết kiệm một khoản chi trả đủ cho mỗi tháng”. Nhưng gần đây cô cũng bắt đầu đầu tư vào các quỹ chỉ số. Đầu tư dài hạn rất quan trọng đối với cô ấy, vì cô ấy không có lựa chọn góp tiền cho kế hoạch hưu trí tại nơi làm việc.
“Ở cấp độ của tôi, thực sự không có lựa chọn để tham gia quỹ hưu trí ngay bây giờ”, cô ấy giải thích. Khi cô ấy đạt đến cấp quản lý, công ty sẽ cho phép và tự động khấu trừ số phần trăm tiền lương của cô vào tài khoản hưu trí.
Ưu tiên hàng đầu của Den là trả hết các khoản nợ và tiết kiệm nhiều tiền mặt hơn. Đồng thời, anh ấy cũng đang nghiên cứu các cách thức thông minh để đầu tư, bắt đồng tiền làm việc, ngay sau khi anh ấy trả hết nợ và có đủ một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp.
Steph cho biết: “Tương thích về mặt tài chính không nhất thiết có nghĩa là các bạn phải có chung mục tiêu hoặc nền tảng về tài chính. Nó chỉ đơn giản là các bạn đều thoải mái, cởi mở và thực sự nghiêm túc khi nói đến các vấn đề này cũng như các mục tiêu tài chính trong tương lai”.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ21 Tháng mười một, 2024Không cứ tiết kiệm, đầu tư là sẽ giàu, triệu phú 30 tuổi gợi ý cách vừa kiếm tiền vừa tận hưởng cuộc sống
- Chia sẻ10 Tháng mười một, 2024Anh nông dân lãi 500 triệu đồng nhờ “bẻ lái” nuôi con “hiền như cục đất” mê ăn chuối
- Chia sẻ5 Tháng mười một, 2024Người đàn ông cực khổ gom đồng nát đổi bạc lẻ, 20 năm sau thành tỷ phú có hơn 220 nghìn tỷ đồng, tiền thưởng Tết nhân viên chất thành núi
- Chia sẻ25 Tháng mười, 2024Rất khó để làm giàu nếu cứ tiết kiệm mà không đầu tư: Chuyên gia nêu ba sai lầm người trẻ nên tránh