Người đàn ông làm giàu từ ‘chim cao 2m’, giá một con đã 34 triệu: Khi người khác thua lỗ vẫn có sáng kiến ‘lội ngược dòng’ kiếm 24 tỷ đồng/năm
Loài chim độc lạ đầy hứa hẹn
Người đàn ông Mã Kiến quê ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), từng kinh doanh nhà hàng, khách sạn khá thành công. Trong một lần đi công tác ở thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Mã Kiến tình cờ nghe bản tin địa phương về mô hình nuôi chim đà điểu mang lại lợi nhuận cao. Mã Kiến cảm thấy đây là cơ hội kinh doanh tốt, liền tìm đến trang trại của doanh nhân xuất hiện trên TV.
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng khi đến nơi, người đàn ông vẫn có chút sợ hãi khi đứng cạnh loài chim cao đến 2m này. Người chủ trang trại nói Mã Kiến đừng sợ, loài chim này không cắn hay gây nguy hiểm cho người. Đặc biệt khi nghe đến giá 10.000 NDT/con (~34 triệu đồng), Mã Kiến càng thêm phần sửng sốt. Chính bởi vì đây là trang trại duy nhất ở Giang Môn nên “của càng hiếm càng đắt”.
Mã Kiến trở về Hà Nam sau một thời gian nghiêm túc học hỏi kỹ thuật nuôi đà điểu từ vị doanh nhân ở Giang Môn. 2 tháng sau, ông đóng cửa khách sạn, đem toàn bộ 2 triệu NDT tích cóp suốt nhiều năm để mở trang trại, mua 24 con đà điểu giống. Từ con giống ban đầu phát triển thành đàn 50 con, Mã Kiến tính bán với giá 500.000 NDT thì bi kịch xảy ra.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng 50 con đà điểu chết sạch. Mã Kiến đóng gói thức ăn đà điều gửi đến các chuyên gia mong tìm ra nguyên nhân. Kết quả là do sự mất cân bằng canxi và photpho trong thức ăn. Hóa ra chu kỳ sinh trưởng của một con đà điểu rất nhanh, chỉ mất một năm là có thể cao hơn 2m và nặng hơn 200 kg. Vì vậy đối với chim non, tỷ lệ canxi và photpho rất quan trọng, một khi tỷ lệ này mất cân bằng sẽ dẫn đến cái chết.
Sau khi được chuyên gia tư vấn về thức ăn, Mã Kiến còn học hỏi thêm kỹ thuật ấp nở trứng đà điểu. Những tưởng khó khăn đã qua thì lại đến lúc thị trường biến động, giá bán đà điểu giảm xuống chỉ còn 2000 NDT/con. Đã không có lãi, việc nuôi đà điểu ngày càng bão hoà, người nuôi loài chim này nhiều hơn. Nhìn hơn 500 con đà điểu lớn lên từng ngày, Mã Kiến rất lo lắng.
Sáng kiến “lội ngược dòng”
Trong một đêm trằn trọc không ngủ được, Mã Kiến nảy ra ý định kết hợp trang trại với công việc kinh doanh nhà hàng khách sạn cũ của mình. Ngày hôm sau, ông vay tiền từ bạn và mở một nhà hàng chủ yếu phục vụ các món ăn từ thịt đà điểu. Mã Kiến kết hợp với các đầu bếp để phát triển thực đơn 30 món mới lạ chưa từng có nhưng vẫn phù hợp với khẩu vị người dân địa phương.
“Chúng tôi khi đó là người duy nhất bán các món ăn từ thịt đà điểu nên mọi người kéo nhau đến thử món mới. Khách hàng đều khen hương vị thịt đà điểu rất ngon, ăn một lần lại muốn quay lại thử món khác”, Mã Kiến chia sẻ.
Nhờ “nước đi” thức thời này, doanh thu hàng năm của nhà hàng lên 3 triệu NDT (~10 tỷ đồng). Nổi bật nhất là món chân đà điểu nướng, ăn thịt vô cùng mềm, được nhiều thực khách yêu thích. Riêng doanh số bán chân đà điểu đã lên tới 600.000 NDT. (~2 tỷ đồng).
Sau này Mã Kiến có cơ hội gặp nghệ nhân chuyên khắc trứng nổi tiếng Đinh Hồng Bá. Những quả trứng do chính tay ông Đinh chạm khắc có hoa văn và hoạ tiết sống động như thật, được nhiều người sưu tầm “săn đón” nên Mã Kiến rất muốn hợp tác với nghệ nhân này. Tuy nhiên Đinh Hồng Bá từ chối vì chưa bao giờ chạm khắc trứng đà điểu. Trứng đà điểu khác với trứng thường ở chỗ vỏ của nó cực kỳ cứng và nhẵn.
Mã Kiến vẫn không bỏ cuộc, lấy toàn bộ số trứng từ nhà hàng đến tặng Đinh Hồng Bá, chỉ đề nghị nghệ nhân này thử tập luyện trên bề mặt trứng đà điểu. Ông Đinh cũng nghiên cứu thử cách chạm khắc, sau nhiều lần luyện tập cuối cùng cũng thành công tạo ra những quả trứng đà điểu được khắc tinh xảo. Kể từ đó Mã Kiến và Đinh Hồng Bá thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài, trứng đà điểu chạm khắc được bán với giá 400 – 10.000 NDT/ quả. (~1,3 – 34 triệu đồng).
Người đàn ông họ Mã còn tận dụng cả lông đà điểu và da loài chim này để gửi đến Quảng Châu gia công, sản xuất khăn, túi xách. Khi những người nuôi đà điểu khác thua lỗ phải chuyển hướng, Mã Kiến vẫn ung dung phát triển công việc kinh doanh của mình, còn giúp hơn 30 nông dân khác cùng nhau làm giàu. Doanh thu năm cao nhất của người đàn ông này lên tới 7 triệu NDT (gần 24 tỷ đồng).
Năm 2018, Mã Kiến mở rộng thị trường đà điểu sang các tỉnh khác, được các doanh nhân đón nhận bởi giá thành không cao nhưng chất lượng tốt. Một năm sau, ông mạnh tay đầu tư 10 triệu NDT để tạo ra một thung lũng nuôi đà điểu. Mục tiêu của Mã Kiến là thúc đẩy ngành sản xuất và du lịch địa phương.
Mã Kiến luôn nhắn nhủ những người bạn doanh nhân của mình rằng dù việc đầu tư, kinh doanh có đi vào ngõ cụt, đừng vội từ bỏ. Bởi vì vẫn sẽ luôn có cách để vượt qua bức tường rào đó, miễn là bạn phải suy nghĩ, tìm tòi đa dạng góc nhìn và cơ hội mới. Cách Mã Kiến “lội ngược dòng” nhờ đa dạng hoá nguồn thu từ 1 sản phẩm ban đầu đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng với nhiều nông dân, doanh nhân Trung Quốc.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ10 Tháng mười một, 2024Anh nông dân lãi 500 triệu đồng nhờ “bẻ lái” nuôi con “hiền như cục đất” mê ăn chuối
- Chia sẻ5 Tháng mười một, 2024Người đàn ông cực khổ gom đồng nát đổi bạc lẻ, 20 năm sau thành tỷ phú có hơn 220 nghìn tỷ đồng, tiền thưởng Tết nhân viên chất thành núi
- Chia sẻ25 Tháng mười, 2024Rất khó để làm giàu nếu cứ tiết kiệm mà không đầu tư: Chuyên gia nêu ba sai lầm người trẻ nên tránh
- Chia sẻ20 Tháng mười, 2024Cả đời làm công nhân, 50 tuổi khởi nghiệp thất bại, 55 tuổi trở thành tỷ phú: “Ngày tôi quyết tâm khởi nghiệp lần 2, không một ai ủng hộ”